ỦY BAN NHÂN DÂN           CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

  XÃ QUANG VĨNH                                  Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

 

HĐPHPBGDPL - BAN TƯ PHÁP XÃ QUANG VĨNH

 

THÔNG TIN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT 1

(Ban hành kèm theo Công văn số: 21 /HĐPBGPL ngày 30 tháng 12 năm 2023)

 

I. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG

1. Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Nghị định gồm 15 Điều, trong đó từ Điều 1 đến Điều 13 của Nghị định quy định việc sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Nghị định số 104/2022/NĐ-CP bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, chủ yếu thuộc nhiều lĩnh vực như: việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi…

Thay vào đó, khi thực hiện các thủ tục trên, người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nghị định cũng bãi bỏ, thay thế một số cụm từ liên quan tới quy định về sổ hộ khẩu tại các nghị định liên quan tới một số lĩnh vực cụ thể như: điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; hộ tịch, người có công, bảo trợ xã hội…

Cũng theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP, việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng một trong các phương thức sau:

- Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua cổng dịch vụ công quốc gia;

- Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNelD;

- Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chip trên thẻ Căn cước công dân gắn chip;

- Các  phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Thông tin về cư trú của công dân tại thời điểm làm thủ tục hành chính được cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ghi nhận và lưu giữ trong hồ sơ thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.

Trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức nêu trên, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.

Việc yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú được nêu cụ thể trong quyết định công bố thủ tục hành chính của bộ, cơ quan, địa phương hoặc các văn bản thông báo dịch vụ của cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú bao gồm: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nghị định 104/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2023.

2. Thông tư số 55/2022/TT-BCA quy định phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt, trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động.

Thông tư này quy định chi tiết phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt, trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động.

Trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động, gồm: trang phục chiến đấu chung; trang phục chiến đấu của Cảnh sát đặc nhiệm; trang phục Cảnh sát bảo vệ mục tiêu; trang phục nghiệp vụ bay và trang phục kỹ thuật cơ vụ sân bay của Không quân Công an nhân dân; trang phục nghi lễ đặc thù của Cảnh sát cơ động kỵ binh; trang phục biểu diễn đặc thù của Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân.

Cụ thể, trang phục chiến đấu chung xuân hè, gồm: công an hiệu; mũ mềm gắn Công an hiệu; mũ bảo hiểm Cảnh sát cơ động gắn Công an hiệu; áo: cánh tay trái gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động, trước ngực bên phải gắn số hiệu, ngực bên trái gắn huy hiệu Công an nhân dân, cổ áo gắn phù hiệu kết hợp; ký hiệu Cảnh sát cơ động; số hiệu Công an nhân dân; huy hiệu Công an nhân dân; phù hiệu kết hợp; áo lót gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động; dây lưng chéo; quần; dây lưng; giầy ghệt; bít tất; găng tay. , trang phục chiến đấu chung thu đông, gồm: công an hiệu; mũ mềm gắn Công an hiệu; mũ bảo hiểm Cảnh sát cơ động gắn Công an hiệu; áo mùa đông: cánh tay trái áo gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động, may nhiều lớp, trước ngực bên phải gắn số hiệu, trước ngực bên trái gắn huy hiệu Công an nhân dân, cổ áo gắn phù hiệu kết hợp; ký hiệu Cảnh sát cơ động; số hiệu Công an nhân dân; huy hiệu Công an nhân dân; phù hiệu kết hợp; áo khoác mùa đông có mũ (chống rét): cánh tay trái gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động, chất liệu giữ ấm, trước ngực bên phải gắn số hiệu, trước ngực bên trái gắn huy hiệu Công an nhân dân, cổ áo gắn phù hiệu kết hợp; áo lót gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động; dây lưng chéo; quần; dây lưng; giầy ghệt; bít tất; găng tay.

Trang phục huấn luyện của Cảnh sát cơ động, gồm: trang phục huấn luyện chung; trang phục huấn luyện đặc thù của Cảnh sát cơ động kỵ binh; đơn vị huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ; đơn vị Không quân Công an nhân dân. 

Cụ thể, trang phục huấn luyện chung, gồm: mũ mềm gắn Công an hiệu; công an hiệu; áo: trước ngực áo bên phải gắn số hiệu Công an nhân dân; trước ngực áo bên trái gắn huy hiệu Công an nhân dân; cánh tay áo bên trái gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động; cổ áo gắn phù hiệu kết hợp; số hiệu Công an nhân dân; huy hiệu Công an nhân dân; ký hiệu Cảnh sát cơ động; phù hiệu kết hợp; áo khoác mùa đông; dây lưng chéo; quần; giầy huấn luyện; bít tất.

Cảnh sát cơ động kỵ binh, các đơn vị huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ sử dụng trang phục quy định tại Điều 14 Thông tư này và trang phục quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Thông tư số 12/2021/TT-BCA ngày 27/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn, định mức, trang bị, quản lý, nuôi dưỡng, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ trong Công an nhân dân để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện nghiệp vụ đặc thù (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 44/2022/TT-BCA ngày 28/10/2022). Đơn vị Không quân Công an nhân dân sử dụng trang phục trang phục nghiệp vụ bay và trang phục kỹ thuật cơ vụ sân bay để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện nghiệp vụ đặc thù.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 và thay thế Thông tư số 31/2014/TT-BCA ngày 24/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về Giấy chứng nhận công tác đặc biệt, phù hiệu và trang phục chiến đấu của lực lượng Cảnh sát cơ động.

3. Thông tư số 17/2022/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thông tư số 17/2022/TT-BGDĐT đã sửa đổi, bổ sung đối tượng áp dụng Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên.

Theo đó, Quy chế được áp dụng với giáo viên đang nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập (gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non); giáo viên đang giảng dạy tại trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dành cho người khuyết tật (gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông); giáo viên đang giảng dạy tại trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (gọi chung là trung tâm giáo dục thường xuyên); giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên được gọi chung là giáo viên; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông; giám đốc, phó giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên (gọi chung là cán bộ quản lý); các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn đối với báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên cũng được sửa đổi, bổ sung. Theo quy định tại Thông tư số 17/2022/TT-BGDĐT, báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên phải là nhà giáo thuộc các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên; chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục; giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán; giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thường xuyên và phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên và phẩm chất, năng lực nghề nghiệp tốt; nắm vững Chương trình BDTX, có khả năng truyền đạt nội dung tài liệu BDTX phù hợp với đối tượng bồi dưỡng; có kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý; có tinh thần trách nhiệm, khả năng cộng tác với đồng nghiệp; có khả năng hướng dẫn, tư vấn giáo viên, cán bộ quản lý tự học; nắm vững quy trình tổ chức, nội dung, kỹ thuật, phương pháp, hình thức đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên; có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế, xây dựng và phát triển tài liệu, học liệu để bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2023.

4.  Thông tư 09/2022/TT-BNV quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ.

Theo Thông tư, Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ là tập hợp những chỉ tiêu thống kê để thu thập thông tin thống kê phục vụ công tác quản lý của các cơ quan nhà nước trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển ngành Nội vụ qua từng thời kỳ; đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê về ngành Nội vụ của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng thông tin; là căn cứ để xây dựng chế độ báo cáo thống kê ngành Nội vụ.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ bao gồm những chỉ tiêu thống kê phản ánh tình hình về tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; thanh tra ngành Nội vụ; tổ chức phi chính phủ; hợp tác quốc tế ngành Nội vụ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo và văn thư, lưu trữ nhà nước.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ bao gồm Danh mục chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ và Nội dung chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ.

Thông tư nêu rõ 8 nhóm chỉ tiêu thống kê gồm:

- Tổ chức hành chính;

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Thanh tra ngành Nội vụ;

- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Nội vụ;

- Hội, tổ chức phi Chính phủ;

- Thi đua, khen thưởng;

 - Tôn giáo;

- Văn thư-lưu trữ.

Trong đó, nhóm chỉ tiêu tổ chức hành chính thực hiện thống kê gồm: Số đơn vị hành chính; số tổ chức hành chính trong các cơ quan nhà nước; số lượng thôn, tổ dân phố.

Nhóm chỉ tiêu cán bộ, công chức, viên chức gồm: Số đại biểu hội đồng nhân dân; số lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp; số lượng cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên; số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; thu nhập bình quân một cán bộ, công chức; số lượng viên chức; số lượng cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá, xếp loại chất lượng; số lượng cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật; số lượt cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 30/1/2023.

5. 04 Luật mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2023

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022Luật Cảnh sát cơ động 2022Luật Điện ảnh 2022 cùng có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

5.1. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022

Một trong những điểm nổi bật của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 là sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến quyền tác giả, đơn cử như:

- Cho phép tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm (quyền nhân thân của quyền tác giả) cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản theo quy định.

- Tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm. (Thay vì quy định tác giả là người tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm như nội dung tại Nghị định 22/2018/NĐ-CP )

- Về đồng tác giả, trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả.
(Trong khi theo Nghị định 22/2018/NĐ-CP thì đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.)

- Bổ sung quy định về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật.

5.2. Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022

- Doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản từ ngày 01/01/2028.

- Không quy định về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm và thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm nhằm trong Luật Kinh doanh bảo hiểm để đảm bảo thống nhất với các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Tại Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời hiệu khởi kiện về hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết; hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm và dễ áp dụng hơn trên thực tế.

- Quy định 05 loại Hợp đồng bảo hiểm gồm: Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe; Hợp đồng bảo hiểm tài sản; Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại; Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm.

Đối với loại Hợp đồng bảo hiểm hàng hải được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hàng hải; nội dung không quy định tại Bộ luật Hàng hải thì thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

- Bãi bỏ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm từ ngày 01/01/2023.

Trên đây là một số điểm mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thay thế Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000.

5.3. Luật Cảnh sát cơ động 2022

Đây là Luật mới thay thế cho Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013, với một số điểm nổi bật như sau:

- Về tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động:

Công dân Việt Nam không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có sức khỏe, độ tuổi phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tự nguyện thì được tuyển chọn vào Cảnh sát cơ động.

Cảnh sát cơ động được ưu tiên tuyển chọn trong các công dân vừa nêu những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có năng khiếu, tài năng phù hợp để phục vụ lâu dài trong Cảnh sát cơ động.

- Bổ sung thêm quy định Nhà nước ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho các hoạt động của Cảnh sát cơ động.

- 04 đối tượng được phép điều động Cảnh sát cơ động gồm: Bộ trưởng Bộ Công an; Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Chỉ huy đơn vị Cảnh sát cơ động.

- Về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động: Đây là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

5.4. Luật Điện ảnh 2022

Luật Điện ảnh 2022 thay thế Luật Điện ảnh 2006 và có một số điểm mới đáng chú ý sau đây:

- Kinh doanh dịch vụ phổ biến phim là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Luật mới không quy định phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

- Bổ sung các thuật ngữ như Công nghiệp điện ảnh, Phân loại phim, Phim Việt Nam, Trường quay và Địa điểm chiếu phim công cộng,..

- Chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim theo quy định.

- Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ dụng bối cảnh quay phim tại Việt Nam: hồ sơ xin cấp phép yêu cầu có kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam.

            6. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định 5692/QĐ-TLĐ ngày 08/12/2022 Quy định chế độ phụ cấp cán bộ công đoàn các cấp.

Theo đó, quy định hệ số phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở cao nhất là 1,00 (áp dụng với chủ tịch công đoàn).

Mức lương làm cơ sở tính hưởng phụ cấp quy định như sau:

- Công đoàn cơ sở khu vực hành chính, sự nghiệp nhà nước, mức phụ cấp hằng tháng = (Hệ số phụ cấp trách nhiệm) x (Mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước).

Trong đó, mức lương cơ sở năm 2023 dự kiến như sau:

+ Từ ngày 01/01 – 30/6/2023: 1.490.000 đồng/tháng (căn cứ Nghị định 38/2019/NĐ-CP );

+ Từ ngày 01/7/2023: 1.800.000 đồng/tháng (căn cứ Nghị quyết 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022).

- Công đoàn cơ sở doanh nghiệp và công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước, mức phụ cấp hằng tháng = (Hệ số phụ cấp trách nhiệm) x (Mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Nhà nước).

Trong đó, mức lương tối thiểu vùng năm 2023 áp dụng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP , cụ thể: vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; vùng III là 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng).

 Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023, thay thế Quyết định số 3226/HD-TLĐ ngày 20/9/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Quy định chế độ phụ cấp cán bộ công đoàn.

II. VĂN BẢN QPPL CỦA UBND TỈNH HÀ TĨNH

1. Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND ngày 07/12/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về bải bõ Quyết định số 47/2018 QĐ-UBND ngày 29/11/2018 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về ban hành Quy định về sử dụng và quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

2. Quyết định số 36/2022/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới và bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà tĩnh, giai đoạn 2022-2025.

3. Quyết định số 37/2022/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành bộ tiêu chí huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà tĩnh, giai đoạn 2022-2025.

4. Quyết định số 38/2022/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà tĩnh, giai đoạn 2022-2025.

Trên đây là một số văn bản pháp luật mới, Hội đồng PBGDPL huyện gửi các Đồng chí cán bộ, đảng viên tiếp cận để  phục vụ cho quá trình công tác chuyên môn và tuyên truyền các chính sách pháp luật mới theo ngành, lĩnh vực phụ trách.

                                                Quang Vĩnh, ngày 03  tháng 01  năm  2023

Người  viết bài                                          TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

                                                                               CHỦ TỊCH

 

 

Phạm Thị Cẩm Tú

 

Tệp đính kèm


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
 Liên kết website
 Bình chọn
Thống kê: 84.542
Online: 7